[Newsletter | Tháng 4, 2021] – Văn Hóa Ứng Xử của Người Mỹ trong Kinh Doanh (Phần 1)

Chia sẻ trong một bản tin gần đây, Noble Network nhấn mạnh đến sự tăng trưởng nhanh chóng trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Việt Nam. Cụ thể, trong vòng 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia này tăng từ 18 tỷ USD (2010) lên tới khoảng 90 tỷ USD (2020) (TrendEconomy). Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và được mong đợi sẽ duy trì vị thế này trong một khoảng thời gian dài sắp tới. Tuy nhiên, để tiếp cận và thâm nhập thị trường Mỹ, cần có một sự đầu tư kỹ lưỡng để tìm và hiểu về các nhân tố quan trọng góp mặt trong thị trường này. Một trong những nhân tố quan trọng mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây, đó chính là con người – doanh nhân Mỹ – những người đưa ra quyết định trong thương vụ kinh doanh và có văn hóa ứng xử rất khác so với doanh nhân Việt Nam. 

Nếu là người theo dõi newsletter của Noble Network thường xuyên, bạn chắc hẳn sẽ nhớ một trong những khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi tiến vào thị trường Mỹ chính là rào cản về văn hóa – yếu tố quan trọng trong một giao dịch quốc tế. Để giúp cho doanh nhân Việt Nam có một cái nhìn tổng quan về đối tác này và tránh những hiểu nhầm trong khi giao tiếp với họ, Noble Network tiếp tục phát hành Newsletter tháng 4 về Văn hóa ứng xử của người Mỹ trong kinh doanh. Lưu ý rằng mỗi người đều là độc nhất vô nhị, những đặc điểm sau đây chỉ theo quan điểm của chúng tôi đúc kết kinh nghiệm của mình qua những trải nghiệm với người Mỹ.

1. Văn hóa bắt tay 

Văn hóa bắt tay 

Bắt tay là cách chào hỏi thông dụng không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nho nhỏ trong văn hóa bắt tay ở hai quốc gia này. Nếu người Việt Nam thường bắt tay một cách nhẹ nhàng, thì người Mỹ nắm chặt 1-2 giây (nhưng không quá mạnh) rồi thả lỏng để thể hiện sự thân thiện và nhiệt tình của họ. Vậy nên, nếu áp dụng cách bắt tay của người Việt Nam khi gặp gỡ đối tác Mỹ, có thể họ sẽ nghĩ đối tác này thiếu tự tin hoặc hờ hững trong mối quan hệ. Bởi vậy, hãy lưu ý vấn đề này nếu bạn muốn tạo ấn tượng đầu tiên tốt đẹp với đối tác Mỹ của bạn. Hãy bắt chặt tay họ và nhớ rằng, một cái siết chặt là cách họ thể hiện sự hào hứng khi gặp bạn. 

READ  [Newsletter | Tháng 1, 2023] - Những Loài Hoa và Cây Đặc Trưng của Ngày Tết Việt Nam

2. Văn hóa trao đổi danh thiếp 

Văn hóa trao đổi danh thiếp

Người Mỹ thường không hỏi xin danh thiếp. Họ sẽ đưa bạn danh thiếp của họ và đợi bạn trao đổi danh thiếp của bạn. Khi đưa, người Mỹ thường dùng một tay dù đối với cả đối tác lớn tuổi hơn. Đó không phải họ thiếu lễ phép, mà là văn hóa đưa – nhận bằng một tay được chấp nhận ở mọi tầng lớp và lứa tuổi trong văn hóa Mỹ. Trên thực tế, người Mỹ thấy khá bối rối khi thấy danh thiếp được đưa bằng hai tay. Khi muốn từ chối trao danh thiếp của mình mà không làm phật lòng người khác, người Mỹ sẽ nói họ để quên danh thiếp ở văn phòng hoặc đã hết danh thiếp rồi, họ sẽ chủ động liên lạc với bạn theo thông tin liên lạc bạn để lại. Dù nói vậy, nhưng họ sẽ không liên lạc với bạn nếu họ nghĩ nó không mang lại giá trị gì cho họ. 

3. Văn hóa giao tiếp bằng mắt

Văn hóa giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một trong những yếu tố quan trọng khi giao tiếp với người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ. Khi nói chuyện, người Mỹ thích nhìn vào mắt người đối diện, thể hiện sự tự tin, chân thành của họ. Bởi vậy, nếu bạn cứ cúi xuống nhìn mặt bàn hay nhìn đi đâu đó trong lúc giao tiếp, họ có thể sẽ nghĩ bạn thiếu tự tin hoặc đang muốn che giấu một điều gì đó. Chuẩn bị thật tốt cho cuộc họp, và cố gắng giao tiếp bằng mắt với đối tác Mỹ của bạn sẽ giúp bạn ghi điểm rất cao trong cuộc đàm phán. 

READ  [Newsletter | Tháng 7, 2021] - Tất Cả Về Vận Chuyển Đường Biển Giữa Việt Nam Và Mỹ

4. Ngôn ngữ cơ thể 

Ngôn ngữ cơ thể 

Người Mỹ sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất thường xuyên trong giao tiếp doanh nghiệp và thường ngày. Họ cũng rất thoải mái khi ngồi vắt chéo chân, ngả lưng về phía sau, hay cười to khi thấy điều gì đó thú vị – điều mà nhiều người châu Á coi là thiếu sự lễ phép hay khiêm tốn. Người Mỹ cũng có một số ngôn ngữ cơ thể giống với người Việt Nam; ví dụ như: lắc đầu thể hiện sự không đồng tình, gật đầu thể hiện sự đồng ý, hay nhướn mày biểu lộ sự ngạc nhiên, tươi cười khi thấy vui vẻ, etc. Tuy nhiên họ sẽ thoải mái sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt cảm xúc của bản thân hơn người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.  

(Còn tiếp…)

ĐĂNG KÝ TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN CỦA CHÚNG TÔI TẠI ĐÂY!

Mục nhập này đã được đăng trong$ s. Đánh dấu trang permalink .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *